Cân nặng không đổi, thiếu hụt chất, miễn dịch kém là những lý do khiến bé bị còi xương (do thiếu canxi) và bệnh suy dinh dưỡng (thiếu chất toàn diện). Sau khi cai sữa, bé sẽ dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng nếu như mẹ không biết cách chăm sóc, bổ sung các dưỡng chất cần thiết. Ngược lại, nếu đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của bé thì đây là giai đoạn bé có thể hấp thu và phát triển tốt nhất.

 

Khi nào nên cai sữa cho bé?

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho bé. Trong 6 tháng đầu, ngoài đảm bảo nguồn dinh dưỡng cân bằng, sữa mẹ còn chứa đựng các nguyên tố quan trọng bảo vệ cho cơ thể mà không có thức ăn nào thay thế được.

Sau 6 tháng, nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên cao hơn nên mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm bằng bột, cháo (thêm thịt, cá, trứng, dầu, mỡ, rau quả xay nhỏ) để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Đến tháng thứ 12, mẹ có thể sẵn sàng cho con cai sữa.

 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sau khi cai sữa

Sau khi cai sữa, từ 1 – 3 tuổi là thời kỳ bé phát triển rất nhanh cả về thể lực lẫn trí tuệ. Vì vậy, mẹ cần lên một chế độ ăn uống cân bằng để tránh việc bé bị còi xương, chậm lớn, chậm tăng cân.

Một chế độ ăn uống cân bằng nên chứa nhiều loại thực phẩm khác nhau, đảm bảo cung cấp cho bé đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để phát triển, khôn lớn và khám phá thế giới xung quanh.

Để giúp bé ăn tốt và cân bằng, mẹ nên cho bé ăn đầy đủ các món có trong 5 nhóm thực phẩm sau đây mỗi ngày:

 

1 – Thực phẩm giàu tinh bột (carbonhydrate)

Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động hàng ngày của bé. Nếu không được cung cấp đủ lượng cần thiết (150 – 200g), bé sẽ trở nên mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống.

Các loại thực phẩm giàu tinh bột bao gồm: cơm, ngũ cốc, mỳ ống, bột mỳ, các loại khoai và chuối,… Hãy kết hợp cả hai loại tinh bột (có trong bí đỏ, khoai tây, bánh mì,…) và ngũ cốc nguyên hạt (như yến mạch, cháo…) để tạo sự đa dạng cho bé chọn lựa món mình thích nhất.

 

2 – Rau xanh và các loại trái cây

Đây là loại thực phẩm đặc biệt quan trọng vì ngoài tác dụng bổ sung chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón và bệnh về đường ruột, rau xanh và trái cây còn chứa các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển của bé. Mỗi ngày, mẹ nên thêm ít nhất 50g rau xanh và 150g trái cây vào thực đơn của bé nhé!

Nhưng bé thường không thích ăn rau, vì thế mẹ nên sử dụng các lọai rau quả có màu sắc sặc sỡ để kích thích thị giác, cắt nhỏ rồi cho bé ăn với nước xốt; hoặc sắp xếp thành hình dạng của khuôn mặt, con vật.

 

3 – Thức ăn giàu đạm

Thiếu đạm là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ còi cọc, chậm lớn. Giống như lượng calorie mỗi ngày, nhu cầu đạm của bé cũng phụ thuộc rất lớn vào trọng lượng của trẻ. Theo đó, cứ mỗi kilogram cân nặng, bé cần được bổ sung khoảng 2 – 2,5g đạm mỗi ngày.

Thành phần đạm trong một số loại thực phẩm (trong 100 gram):

– Các loại thịt (thịt lợn, gà, bò): 20-21 g

– Tôm, cua, cá: 16-18 g

– Trứng: 13-14 g

– Đậu hũ: 9g

 

4 – Chất béo, thành phần không thể thiếu

Ngoài đóng góp một phần năng lượng cho những hoạt động mỗi ngày của cơ thể, chất béo còn đóng vai trò quan trọng vào sự hình thành và phát triển các trí não.

Đặc biệt, sau khi cai sữa, trẻ từ 1 – 3 tuổi cần khoảng 33 – 45 gram chất béo mỗi ngày, tương đương khoảng 1 – 2 muỗng cà phê dầu ăn (ưu tiên những loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật).

 

5 – Sản phẩm từ sữa

Sữa có hàm lượng Canxi và Vitamin D rất quan trọng trong quá trình hình thành hệ xương và răng ở bé.

Bên cạnh bữa ăn hàng ngày, mẹ nên cho bé uống sữa nguyên kem để đảm bảo cung cấp đầy đủ vi chất, giúp bé phát triển toàn diện về thể lực và hệ thần kinh trung ương, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ từ 1 – 2 tuổi cần bổ sung khoảng 200 – 300 ml sữa mỗi ngày; từ 2 – 3 tuổi, bé cần khoảng 300 – 400 ml để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên cho bé uống quá 500 ml mỗi ngày đâu nhé! Không chỉ khiến bé dư thừa canxi, hàm lượng đạm trong sữa còn khiến bé bị đầy bụng, và không muốn ăn thêm bất cứ món nào khác đâu!

 

Một số lưu ý để bé cai sữa thành công

– Thực đơn mỗi ngày của bé cần phải có đầy đủ 5 nhóm thực phẩm kể trên. Mẹ nên chọn các loại thực phẩm có hương vị thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng để trẻ dễ ăn, dễ hấp thu hơn.

– Khi mới cai sữa, không nên ép bé ăn nhiều sẽ khiến bé khó chịu, dễ trớ và có tâm lí sợ ăn, lâu dần thành biếng ăn. Để bé dần thích nghi và ăn uống ngon miệng, các mẹ hãy cho bé ăn ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để bé không bị ngán; đồng thời giúp hệ tiêu hóa của bé làm quen dần với thức ăn mới, tránh tình trạng rối loạn hệ tiêu hóa.

– Để tạo hứng thú cho bé, mẹ nên thay đổi thực đơn một cách thường xuyên, đa dạng món ăn và sáng tạo nhiều cách trình bày bắt mắt.

– Hệ tiêu hóa của bé ở giai đoạn này còn rất yếu do đó thức ăn cho trẻ cần được nấu mềm, dễ tiêu.

Cai sữa là một bước ngoặt trong quá trình phát triển của bé. Vì vậy, để thuận lợi và thành công, mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bé cho thật khoa học và hợp lí để đảm bảo cho bé phát triển tốt nhất nhé!